Hoạt động Văn hóa doanh nghiệp

HIỆU QUẢ TỪ VIỆC XÂY DỰNG HÌNH THÀNH VĂN HÓA ỨNG XỬ,

Thứ tư, 8/11/2017 | 15:04 GMT+7
Một doanh nghiệp muốn thành công thì cần phải xây dựng “Văn hóa doanh nghiệp”. Trong đó, nhân viên luôn tôn trọng nhau, bình đẳng, ra ngoài xã hội cũng đối xử với những người xung quanh như vậy.Cần học cách đối xử đầy tôn trọng và trách nhiệm trong sinh hoạt hằng ngày là nền tảng để các nhân viên hình thành nhân cách của mình

Một doanh nghiệp muốn thành công thì cần phải xây dựng “Văn hóa doanh nghiệp”. Trong đó, nhân viên luôn tôn trọng nhau, bình đẳng, ra ngoài xã hội cũng đối xử với những người xung quanh như vậy.Cần học cách đối xử đầy tôn trọng và trách nhiệm trong sinh hoạt hằng ngày là nền tảng để các nhân viên hình thành nhân cách của mình. Xây dựng một cộng đồng sống trong đó mọi người có ý thức kỷ luật, tự do sáng tạo. Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng cho phát triển bền vững, tạo nên những doanh nghiệp có kỷ luật, tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Doanh nghiệp làm ăn chân chính, cạnh tranh lành mạnh, hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, có trách nhiệm với môi trường là đương nhiên, nhưng đằng sau đó phải xây dựng được con người có nhân cách cho xã hội. Cần hiểu rằng văn hóa doanh nghiệp có trước khi hình thành một doanh nghiệp, bởi văn hóa của một doanh nghiệp xuất phát từ cái tâm tốt của người khởi nghiệp. Ở VN muốn xây dựng một công ty thành công, bền vững thì phải xây dựng được văn hóa, văn minh doanh nghiệp bao gồm sự minh bạch, có đạo đức và đầy trách nhiệm.

“Văn hóa là một tổng thể phức tạp gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật lệ, phong tục và tất cả những khả năng, thói quen, tập quán mà con người đạt được với tư cách là thành viên của một xã hội”. Một vấn đề luôn luôn mới trong mọi thời đại cần đặt ra là “Văn hóa trong giao tiếp ứng xử”. Đối với mỗi cá nhân, giao tiếp không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống đời thường mà nó còn quyết định đến hiệu quả làm việc cũng như mức độ thành công trong sự nghiệp của mỗi người. Những người có chuyên môn trung bình nhưng hợp tác với đồng nghiệp, ứng xử linh hoạt sẽ thành công hơn những người chỉ khá về chuyên môn nhưng thiếu tinh thần hợp tác hoặc không biết cách hợp tác. Xưa kia, người Việt chỉ giao tiếp bó hẹp sau lũy tre làng. Mặc dù không gian giao tiếp rất nhỏ hẹp nhưng được rèn dũa rất cẩn thận. Cha mẹ dạy con từ những điều nhỏ nhất “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” đến những vấn đề như: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Nhập gia tùy tục”… Ngày nay, chúng ta giao tiếp trong môi trường quốc tế hóa “ Một cây làm chẳng lên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của nó và luôn ý thức là phải tự tin, hòa nhã, thân thiện và lịch sự để hợp tác với mọi người…Nhưng thực tế còn quá nhiều điều cản trở khiến việc giao tiếp của mỗi người chưa thực sự hiệu quả.

Vậy làm thế nào để giao tiếp đạt hiệu quả cao? Đó là câu hỏi đặt ra cho không ít người. Như chúng ta đã biết, giao tiếp là quá trình xác lập và phát triển mối quan hệ, tiếp xúc giữa con người với nhau, nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhất định của cả hai bên. Thực tế, trong số 10 người đang nói chuyện với nhau chưa chắc đã có 5 người thực sự đang giao tiếp. Vì vậy mới có chuyện: “Ông nói gà, bà nói vịt”, “tam sao thất bản”, “ông chẳng, bà chuộc”, “người nói chẳng có kẻ nghe”, “nghe một đằng, hiểu một nẻo”, “nói một đằng, làm một nẻo”…

Mỗi chúng ta cần khắc phục một số nguyên nhân hay mắc phải để giao tiếp thành công:

1. Thiếu tự tin: Rào cản lớn nhất khiến giao tiếp kém hiệu quả nằm trong chính bản thân người giao tiếp. Bạn không thể giao tiếp tốt khi bạn thấy mình yếu kém, hoặc khi bạn bị dằn vặt những lỗi lầm, thất bại của mình, những đau khổ trong quá khứ. Đó chính là bức tường cản trở thành công.

2. Thói quen đổ lỗi: Khi mắc lỗi, ta hay tìm mọi cách để đổ lỗi cho người khác hoặc cho hoàn cảnh. Nguyên nhân sâu xa là vì ta luôn tin là mình đúng, mình tốt. Như trường hợp một Hiệu trưởng hỏi 1 Giáo viên: “Tại sao cô đi làm muộn?”, lý do thường là “em hỏng xe”, “bị tắc đường” . Hay một giáo viên không in được tài liệu thì đổ lỗi vì máy in hỏng, không hoàn thành kế hoạch vì cấp trên giao quá nhiều việc. Thói quen này vô tình được cha mẹ rèn luyện ngay từ khi chúng ta còn nhỏ, ngày bé mỗi lần ngã đau bố mẹ thường dỗ con bằng cách “Đánh chừa cái ghế làm đau con mẹ, hoặc Đánh chừa chị Linh vì làm em ngã”… Nếu chúng ta không khắc phục được thói quen đổ lỗi sẽ dẫn đến nhiều hậu quả quan trọng: Thứ nhất, sẽ đánh mất cơ hội phát triển của chính mình. Nếu ta chỉ đi tìm lỗi của người khác thì ta sẽ không sửa lỗi được của chính mình. Và khi ta không sửa được lỗi, không tìm giải pháp cho vấn đề của mình thì ta sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Lần sau vấn đề lại tiếp tục nảy sinh ta lại tiếp tục đổ lỗi. Cuối cùng ta biến mình thành “nạn nhân của hoàn cảnh” ; Thứ hai, mọi người né tránh: Không ai muốn làm việc với một người luôn tìm mọi lý do để giải thích tại sao mình không làm được. Mọi người có thể chấp nhận bạn mắc lỗi một vài lần đầu, nhưng họ không thể chấp nhận một người chuyên đổ lỗi – một “nạn nhân chuyên nghiệp”; thứ ba, sẽ g ây hiềm khích, mất đoàn kết: Khi đổ lỗi chắc chắn là xảy ra tranh cãi. Vấn đề sẽ không dừng lại ở công việc mà chuyển sang giải quyết vấn đề cá nhân. Tất cả sẽ tập trung vào việc “bới lông tìm vết”. Người nọ chứng minh người kia sai, kém. Hiềm khích rồi thù hằn cá nhân cũng nảy sinh từ đó.

3. Giao tiếp lệch pha: Không ai giống ai hoàn toàn cho dù có là hai anh chị em sinh đôi. Mỗi người có suy nghĩ, nhìn nhận, hiểu biết, kỹ năng khác nhau. Sự khác nhau là do hoàn cảnh sống, tuổi tác, sự trải nghiệm của mỗi người. Chẳng hạn: Ông bà, cha mẹ với con cháu thường lệch pha khi trao đổi về cùng một vấn đề. Hoặc người ở thành phố khác với người ở nông thôn; người có trình độ học vấn cao khác với người bình dân; cán bộ quản lý không giống giáo viên; giáo viên dạy Toán không giống với giáo viên dạy Ngữ văn…trong giao tiếp. Vì vậy, để giao tiếp thành công, tìm được “tiếng nói chung” là vô cùng quan trọng.

4. Không biết lắng nghe : Quả thật, lắng nghe quan trọng hơn nói, nhưng trong giao tiếp chúng ta thường thích nói nhiều hơn nghe. Ở trường cũng dạy nói, đọc, viết nhiều hơn dạy nghe. Thói quen của chúng ta là chỉ nghe những điều mình thích, mình vui còn không thích nghe những điều “khó nghe”. Thế mới có hiện tượng cướp lời người khác, cắt ngang lời người khác, nói thao thao bất tuyệt mà không để ý đến tâm trạng, thái độ của người nghe

Để thành công trong giao tiếp, mỗi người chúng ta cần thực hiện tốt một số bí quyết sau:

- Tự điều chỉnh mình trước khi điều chỉnh người khác: Thông thường ta thích khuyên bảo người khác làm như thế này thế kia nhưng chính chúng ta lại không làm được. Ta khuyên người khác nhưng cho mình quyền không phải làm. Cha mẹ nói tục chửi bậy nhưng lại rất khó chịu và tức giận khi con đánh nhau, chửi bậy; Lãnh đạo thường xuyên đến cơ quan muộn nhưng rất khó chịu khi nhân viên đi làm muộn, nên không thể bắt nhân viên đến đúng giờ. Vậy muốn giúp người khác thay đổi thì hãy làm gương. Người xưa dạy muốn thành công thì hãy “Khắc kỷ dung nhân”

- Lấy cái “Tâm” làm nền tảng: Người Việt Nam với nền văn hóa lúa nước đặc trưng, sống phụ thuộc lẫn nhau và rất coi trọng việc giữ gìn các mối quan hệ tốt với mọi thành viên trong cộng đồng, đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc coi trọng giao tiếp. Sự giao tiếp tạo ra quan hệ: “Dao năng liếc thì sắc, người năng chào thì quen ” và củng cố tình thân: “Áo năng may năng mới, người năng tới năng thân”. Năng lực giao tiếp được người Việt Nam xem là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá con người: “Vàng thì thử lửa, thử than – Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời”.

- Trình bày ngắn gọn nhưng hợp tình, hợp lý: Nói ngắn gọn quá là nói “cộc lốc”, không phù hợp với văn hóa Việt. Bởi người Việt thường có cách nói rào đón, vòng vo, ướm lời trước khi đi thẳng vào vấn đề. Hãy tôn trọng điều này khi giao tiếp với người Vệt. Trước khi vào câu chuyện với ai đó chúng ta thường “chào” và “hỏi”. Nó tạo nên một thói quen đắn đo, cân nhắc kỹ càng trước khi nói luôn giữ được sự hòa thuận cần thiết, người Việt Nam rất hay cười. Nụ cười là một phần quan trọng trong thói quen giao tiếp của người Việt, có thể gặp nụ cười Việt Nam vào cả những lúc ít chờ đợi nhất.

Từ những nội dung trên, chúng ta nhận thấy, giao tiếp tốt là thể hiện một tư duy rõ ràng, mạch lạc. Dựa vào lời ăn, tiếng nói, người ta đánh giá phẩm chất của con người:“Người thanh, tiếng nói cũng thanh/ Chuông kêu, khẽ đánh bên thành cũng kêu”. Trên thuận, dưới hòa, đó là điều quan trọng nhất trong văn hóa ứng xử nội bộ. Để văn hóa doanh nghiệp đi vào việc làm và cách ứng xử thì các cán bộ phải gương mẫu làm trước, từ đi làm đúng giờ, thực hiện văn hóa trong các sinh hoạt tập thể… Tạo ra không khí làm việc tự giác, dân chủ, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau. Chính vì thế mà các hoạt động trong Công ty có sự chuyển biến tích cực, rõ nét nhất là tinh thần đoàn kết, mọi người luôn sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác với nhau nhiều hơn trong công việc. Đồng thời, cần tổ chức nhiều hoạt động tập thể để tạo sự gắn kết giữa các đơn vị thành viên như: Hội thi, Hội thao, giao lưu gắn với các chuyên đề văn hóa doanh nghiệp. Tinh thần tương thân, tương ái giữa các đồng nghiệp, nhất là các gia đình không may lâm vào hoàn cảnh khó khăn đều được quan tâm giúp đỡ. Những trái tim đồng cảm sẻ chia đã lan tỏa đến mọi người lao động, làm nên nét đẹp trong văn hóa doanh nghiệp.

Nguyễn Thế Trinh

Đơn vị: Văn phòng – Công ty Cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa

btp